Lịch sử Vắc-xin_COVID-19_của_Oxford–AstraZeneca

2020

Vào tháng 2 năm 2020, Viện Jenner chấp thuận hợp tác với công ty Advent Srl của Ý nhằm sản xuất lô vắc-xin đầu tiên để thử nghiệm lâm sàng.[35]

Vào tháng 3 năm 2020,[36][37]sau khi Quỹ Gates kêu gọi Đại học Oxford tìm kiếm đối tác là một công ty lớn để đưa vắc-xin ra thị trường, nhà trường quyết định không chia sẻ quyền tiếp thị vắc-xin cho bất kỳ hãng dược phẩm nào như lời hứa trước đó.[38]Đồng thời, chính phủ Anh cũng khuyến khích Đại học Oxford hợp tác với AstraZeneca thay vì công ty Mỹ Merck & Co. do lo ngại chính quyền Trump có thể đầu cơ tích trữ vắc-xin.[39]

Vào tháng 6 năm 2020, Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ (NIAID) xác nhận giai đoạn thử nghiệm thứ ba các loại vắc-xin do Đại học Oxford và AstraZeneca sẽ bắt đầu vào tháng 7 năm 2020.[40]

Thử nghiệm lâm sàng

Vào tháng 7 năm 2020, AstraZeneca thoả thuận hợp tác với IQVIA nhằm đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm lâm sàng vắc-xin tại Mỹ.[41]

Vào ngày 31 tháng 8 năm 2020, AstraZeneca thông báo bắt đầu tiếp nhận 30.000 tình nguyện viên tại Mỹ nhằm thử nghiệm giai đoạn cuối cho vắc-xin COVID-19.[42]

Vào ngày 8 tháng 9 năm 2020, AstraZeneca tạm ngừng thử nghiệm vắc-xin trên toàn cầu để điều tra vụ việc một tình nguyện viên tại Anh có thể đã gặp phải phản ứng phụ sau khi tiêm.[43][44][45] Đến ngày 13 tháng 9, AstraZeneca cùng Đại học Oxford tiến hành thử nghiệm lâm sàng trở lại tại Anh sau khi các nhà chức trách kết luận quá trình thử nghiệm là an toàn.[46] AstraZeneca đã phải nhận một số chỉ trích về độ an toàn của vắc-xin do công ty từ chối cung cấp thông tin chi tiết về tình trạng bệnh lý thần kinh nghiêm trọng ở hai tình nguyện viên thử nghiệm vắc-xin tại Anh.[47] Trong khi quá trình thử nghiệm được nối lại tại Anh, Brazil, Nam Phi, Nhật Bản[48] và Ấn Độ, các hoạt động này vẫn bị tạm dừng tại Hoa Kỳ cho tới ngày 23 tháng 10 năm 2020[49] để Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) điều tra trường hợp một bệnh nhân tiêm vắc-xin bị mắc bệnh, theo lời Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) Alex Azar.[50]

Vào ngày 15 tháng 10 năm 2020, Bác sĩ João Pedro R. Feitosa, 28 tuổi, từ Rio de Janeiro, Brazil, qua đời do biến chứng của COVID-19 sau khi được cho dùng giả dược thay vì vắc-xin thử nghiệm AZD1222.[51][52][53] Cơ quan y tế Brazil Anvisa thông báo quá trình thử nghiệm sẽ tiếp tục tại Brazil.[54]

Kết quả thử nghiệm giai đoạn III

Vào ngày 23 tháng 11 năm 2020, Đại học Oxford và AstraZeneca công bố kết quả sơ bộ thử nghiệm giai đoạn III vắc-xin COVID-19.[6][55] Một số người chỉ trích các phương pháp được sử dụng trong bản báo cáo, trong đó kết quả 62% và 90% từ hai nhóm thử nghiệm khác nhau được kết hợp thành con số chung 70%.[56][57][58] AstraZeneca cho biết hãng sẽ tiếp tục thử nghiệm tại nhiều nước với phác đồ sử dụng liều thấp hơn, trước đó đã cho kết quả 90%.[59]

Bản báo cáo đầy đủ các kết quả sơ bộ từ bốn cuộc thử nghiệm giai đoạn III vào ngày 8 tháng 12 năm 2020 đã xác minh cho các kết quả trên.[60] Ở nhóm tình nguyện viên được tiêm liều vắc-xin đầu tiên hơn 21 ngày trước đó, không có ai phải nhập viện hay mắc bệnh lý nặng, khác với nhóm sử dụng giả dược. Không có sự khác biệt về các phản ứng phụ nghiêm trọng giữa hai nhóm sử dụng vắc-xin và giả dược, nghĩa là vắc-xin sử dụng không có mối lo an toàn nào. Một trường hợp viêm tuỷ ngang được báo cáo 14 ngày sau khi tiêm mũi thứ hai, được cho là liên quan tới việc tiêm chủng. Một hội đồng thần kinh học độc lập chẩn đoán đây khả năng là bệnh tổn hại bao myelin tuỷ tự phát. Hai trường hợp viêm tuỷ khác, một thuộc nhóm tiêm vắc-xin và một thuộc nhóm giả dược, được cho là không liên quan tới vắc-xin.[60]

Một bản phân tích sau đó vào ngày 19 tháng 2 kết luận mức độ hiệu quả của vắc-xin là 76% 22 ngày sau mũi đầu tiên và tăng lên 81,3% khi tiêm mũi thứ hai từ 12 tuần trở lên sau mũi đầu tiên.[61]

2021

Vào tháng 2 năm 2021, Oxford-AstraZeneca thông báo sẽ tiến hành quá trình nghiên cứu nhằm thích nghi vắc-xin với các biến thể mới của virus corona,[62] dự kiến vắc-xin mới sẽ có mặt "trong vài tháng" dưới dạng một "liều tiêm bổ sung".[63] Mối quan tâm chính là liệu đột biến E484K có thể ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch và mức độ hiệu quả của vắc-xin không.[64] Đột biến E484K có mặt trong các biến chủng ở Nam Phi (B.1.351) và Brazil (B.1.1.28); một số trường hợp cũng phát hiện biến thể này ở các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 chủng gốc và biến chủng ở Anh (B.1.1.7).[64]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vắc-xin_COVID-19_của_Oxford–AstraZeneca http://www.theguardian.com/world/2020/nov/26/scrut... http://www.xinhuanet.com/english/2021-01/23/c_1396... http://www.xinhuanet.com/english/2021-01/27/c_1397... http://www.ema.europa.eu/ema/index.jsp?curl=/pages... //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/18227861 //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33230278 //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33306989 //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33323376 //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33501433 //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33547053